Giấy phép tư vấn du học

GIẤY PHÉP TƯ VẤN DU HỌC

Trong vài năm gần đây, cùng với xu thế toàn cầu hóa, ngày càng nhiều học sinh Việt Nam lựa chọn du học để nâng cao trình độ, tìm kiếm cơ hội việc làm. Tuy nhiên, để hiểu hơn về điều kiện, phương thức và cách thực hiện, người ta thường tìm đến các đơn vị thực hiện hoạt động tư vấn du học và từ đó nhiều doanh nghiệp tư vấn du học ra đời. Vậy điều kiện để thực hiện hoạt động tư vấn du học của các doanh nghiệp này như thế nào? Thủ tục xin cấp phép ra sao? Cùng Timelaw tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Cơ sở pháp lý liên quan đến Giấy phép tư vấn du học:

– Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21/04/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

– Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

– Nghị định 88/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;

1. Giấy phép tư vấn du học là gì?

Giấy phép tư vấn du học là Giấy phép được cấp cho tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn du học.

Doanh nghiệp thực hiện hoạt động tư vấn du học được thực hiện các nội dung sau:

– Giới thiệu, tư vấn thông tin về chính sách giáo dục của các quốc gia và vùng lãnh thổ; tư vấn lựa chọn trường học, khóa học, ngành nghề và trình độ phù hợp với khả năng và nguyện vọng của người học;

– Tổ chức quảng cáo, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm về du học theo quy định của pháp luật;

– Tổ chức chiêu sinh, tuyển sinh du học;

– Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng cần thiết cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập;

– Tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, đưa cha mẹ hoặc người giám hộ tham quan nơi đào tạo ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;

– Các hoạt động khác liên quan đến kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

2. Điều kiện xin Giấy phép tư vấn du học

2.1. Điều kiện về chủ thể

Các tổ chức được phép kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bao gồm:

– Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Các đơn vị sự nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ tư vấn du học;

– Tổ chức giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

2.2. Điều kiện về nhân sự

Đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Có trình độ đại học trở lên;

+ Có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương;

+ Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Thủ tục xin giấy phép tư vấn du học

3.1. Thẩm quyền cấp Giấy phép tư vấn du học

Cơ quan có thẩm quyền: Sở Giáo dục và Đào tạo nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở chính hoặc chi nhánh công ty

3.2 Hồ sơ cần chuẩn bị

(1) Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học với các nội dung sau:

+ Mục tiêu, nội dung hoạt động;

+ Khả năng khai thác và phát triển dịch vụ du học ở nước ngoài;

+ Kế hoạch và các biện pháp tổ chức thực hiện;

+ Phương án giải quyết khi gặp vấn đề rủi ro đối với người được tư vấn du học;

(2) Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ Quyết định thành lập/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

(3) Danh sách đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học

(4) Bản sao công chứng bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học của người trực tiếp tư vấn du học

Doanh nghiệp lưu ý về chứng chỉ ngoại ngữ của người trực tiếp tư vấn phải tương ứng với thị trường sẽ tư vấn, ví dụ với những nước sử dụng tiếng Anh thì tối thiểu chứng chỉ ngoại ngữ từ B2 trở lên.

3.2. Quy trình thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép tư vấn du học

Doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ 01 bộ hồ sơ theo quy định, nộp tới Sở Giáo dục và Đào tạo nơi kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Hình thức nộp hồ sơ:

– Nộp trực tiếp đến Sở Giáo dục và đào tạo

– Nộp qua đường bưu điện đến Sở Giáo dục và đào tạo

Bước 2: Theo dõi và xử lý hồ sơ

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định hồ sơ, thẩm tra tính xác thực của tài liệu trong hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Nếu hồ sơ chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo bằng văn bản cho tổ chức dịch vụ tư vấn du học và nêu rõ lý do để doanh nghiệp sửa đổi trong thời hạn quy định.

Bước 3: Nhận kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học

3.3. Lệ phí nhà nước

Hiện nay pháp luật không quy định về lệ phí nhà nước thực hiện đối với thủ tục này.

4. Thời hạn của Giấy phép tư vấn du học

Thời hạn của Giấy phép tư vấn du học hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế thời hạn này phụ thuộc vào quy định của mỗi địa phương nhưng không quá 05 năm kể từ ngày được cấp phép.

Thủ tục gia hạn Giấy phép tư vấn du học:

– Nếu doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện hoạt động dịch vụ tư vấn du học, doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như xin cấp mới và nộp tới cơ quan đã cấp trước đây.

– Thời gian nộp hồ sơ: thực hiện trước khi hết hạn giấy phép là 30 ngày.

– Quy trình thực hiện: Tương tự như trường hợp cấp mới.

5. Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến Giấy phép tư vấn du học

5.1. Hộ kinh doanh, cá nhân có được kinh doanh dịch vụ tư vấn du học hay không?

Đối chiếu với điều kiện về chủ thể, Hộ kinh doanh, cá nhân không thuộc đối tượng được hoạt động dịch vụ tư vấn du học. Do đó cá nhân, hộ kinh doanh không được phép kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

5.2. Giám đốc công ty tư vấn du học có phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học hay không?

Theo quy định hiện hành, điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đã lược bỏ điều kiện về ký quỹ và lược bỏ điều kiện về trình độ của người đứng đầu tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Do vậy, trường hợp giám đốc công ty không tham gia vào đội ngũ tư vấn du học thì không yêu cầu bằng cấp. Trường hợp giám đốc công ty tham gia vào đội ngũ tư vấn du học của công ty thì đáp ứng các điều kiện của đội ngũ tư vấn du học trong đó có yêu cầu về bằng cấp, kinh nghiệm.

5.3. Vốn điều lệ tối thiểu của Công ty tư vấn du học là bao nhiêu?

Do ngành nghề tư vấn du học không yêu cầu phải ký quỹ, hay quy định mức vốn tối thiểu, nên chủ doanh nghiệp căn cứ vào năng lực tài chính của mình để đăng ký mức vốn điều lệ phù hợp.

5.4. Trường hợp cho mượn Giấy phép kinh doanh dịch vụ tư vấn du học thì bị xử lý như thế nào?

Theo Khoản 3 Điều 20 Nghị định 88/2022/NĐ-CP, trường hợp tổ chức cho mượn Giấy phép kinh doanh dịch vụ tư vấn du học thì bị xử phạt từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Hình phạt bổ sung là Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng.

6. Dịch vụ xin giấy phép tư vấn du học của Timelaw

– Tư vấn điều kiện đăng ký cấp Giấy phép tư vấn du học;

– Tư vấn chuẩn bị hồ sơ, thông tin để hoàn thiện hồ sơ thủ tục cấp Giấy phép tư vấn du học;

– Soạn thảo hồ sơ, phương án kinh doanh xin cấp Giấy phép tư vấn du học;

– Thay mặt doanh nghiệp làm các thủ tục xin cấp Giấy phép tư vấn du học;

– Trao đổi, cung cấp thông tin cho khách hàng trong tiến trình cấp Giấy phép tư vấn du học;

– Nhận và bàn giao kết quả cho khách hàng;

– Tư vấn các thủ tục pháp lý sau khi được cấp Giấy phép tư vấn du học;

– Tư vấn các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến hoạt động tư vấn du học của doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung tư vấn của TimeLaw. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 0948.615.666 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.

Xin chân thành cảm ơn!