Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

CHỨNG CHỈ NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG

      Để được thi công một số hạng mục công trình, tổ chức xây dựng cần phải đáp ứng đủ các điều kiện luật định và phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp. Vậy bạn cần biết gì về chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng?

Cơ sở pháp lý đối với chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng:

– Luật xây dựng 2014;

– Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng

– Thông tư 06/2021/TT-BXD phân cấp công trình xây dựng

– Thông tư 38/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép hoạt động xây dựng

1. Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng là gì?

       Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng (hay còn gọi là chứng chỉ năng lực) là văn bản do Bộ xây dựng, Sở xây dựng cấp cho doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào hoạt động xây dựng, để đánh giá năng lực của tổ chức đó phù hợp với các hạng mục công trình nào và được phép làm những hạng mục nào.

_ Khi thực hiện các lĩnh vực sau, doanh nghiệp phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng:

a) Khảo sát xây dựng;

b) Lập thiết kế quy hoạch xây dựng;

c) Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;

d) Tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng;

đ) Thi công xây dựng công trình;

e) Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình;

g) Kiểm định xây dựng;

h) Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

 _ Chứng chỉ năng lực xây dựng được chia làm 03 hạng: Hạng I, Hạng II, Hạng III

_ Mã số chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng: là dãy số có 08 chữ số. Mỗi tổ chức tham gia hoạt động xây dựng khi đề nghị cấp chứng chỉ năng lực lần đầu sẽ được cấp một mã số chứng chỉ năng lực và không đổi trong quá trình cấp đổi chứng chỉ hoặc bổ sung thêm lĩnh vực.

2. Các trường hợp không cần có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

_ Doanh nghiệp, tổ chức không cần có chứng chỉ năng lực xây dựng khi tham gia các hoạt động sau:

a) Thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (trừ thực hiện tư vấn quản lý dự án); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo quy định tại Điều 22 Nghị định; Chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án theo quy định tại Điều 23 Nghị định;

b) Thiết kế, giám sát, thi công về phòng cháy chữa cháy theo pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;

c) Thiết kế, giám sát, thi công hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;

d) Thi công công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa, nội thất và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình;

đ) Tham gia hoạt động xây dựng đối với công trình cấp IV; công viên cây xanh, công trình chiếu sáng công cộng; đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông; dự án chỉ có các công trình nêu tại điểm này;

e) Thực hiện các hoạt động xây dựng của tổ chức nước ngoài theo giấy phép hoạt động xây dựng.

3. Lĩnh vực và phạm vi hoạt động của chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

_ Lĩnh vực và phạm vi hoạt động của chứng chỉ năng lực: quy định tại Phụ lục VII  Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ

_ Phân cấp công trình: theo Thông tư 06/2021/TT-BXD phân cấp công trình xây dựng

4. Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng?

Tương ứng với từng lĩnh vực và từng hạng mục công trình, tổ chức thực hiện phải đáp ứng các điều kiện:

– Điều kiện về chủ thể:

+ Là doanh nghiệp hoặc tổ chức có chức năng tham gia hoạt động xây dựng được thành lập theo quy định của pháp luật

+ Đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp với lĩnh vực xin cấp chứng chỉ

Ngoài ra cần các điều kiện về: Cơ sở vật chất, nhân sự, số lượng hợp đồng đã thực hiện.

Chi tiết xem quy định từ Điều 91- 98 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

5. Hiệu lực của chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng có thời hạn 10 năm khi cấp mới lần đầu hoặc cấp điều chỉnh hạng chứng chỉ hoặc gia hạn chứng chỉ.

Trường hợp cấp điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ hoặc cấp lại do chứng chỉ cũ còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất hoặc hư hỏng hoặc ghi sai thông tin thì ghi thời hạn theo chứng chỉ được cấp trước đó.

6. Các trường hợp cấp, thu hồi, gia hạn chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

– Chứng chỉ năng lực được cấp cho tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Cấp chứng chỉ năng lực lần đầu; điều chỉnh hạng chứng chỉ năng lực;

b) Điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ năng lực;

c) Cấp lại khi chứng chỉ năng lực cũ còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất hoặc hư hỏng hoặc ghi sai thông tin;

d) Gia hạn chứng chỉ năng lực.

– Chứng chỉ năng lực bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Tổ chức được cấp chứng chỉ năng lực chấm dứt hoạt động xây dựng, giải thể hoặc phá sản;

b) Không còn đáp ứng đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định;

c) Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ năng lực;

d) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng chứng chỉ năng lực;

đ) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung chứng chỉ năng lực;

e) Chứng chỉ năng lực được cấp không đúng thẩm quyền;

g) Chứng chỉ năng lực bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp chứng chỉ năng lực;

h) Chứng chỉ năng lực được cấp khi không đủ điều kiện năng lực theo quy định

7. Thủ tục cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

* Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ:

a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ năng lực theo Mẫu số 04 Phụ lục IV Nghị định 15/2021/NĐ-CP

b) Đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập tổ chức

c) Quyết định công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng của tổ chức hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc liên kết thực hiện công việc thí nghiệm phục vụ khảo sát xây dựng với phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được công nhận (đối với tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực khảo sát địa chất công trình);

d) Chứng chỉ hành nghề kèm theo bản kê khai và tự xác định hạng chứng chỉ theo Mẫu số 05 Phụ lục IV Nghị định hoặc kê khai mã số chứng chỉ hành nghề trong trường hợp đã được cấp chứng chỉ hành nghề của các chức danh yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề; các văn bằng được đào tạo của cá nhân tham gia thực hiện công việc;

đ) Chứng chỉ năng lực đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trong trường hợp đề nghị điều chỉnh hạng chứng chỉ năng lực;

e) Hợp đồng và Biên bản nghiệm thu công việc đã thực hiện theo nội dung kê khai (đối với tổ chức khảo sát xây dựng, lập thiết kế quy hoạch xây dựng, thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng, tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng hạng I, hạng II);

g) Hợp đồng; Biên bản nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng hạng mục công trình, công trình xây dựng hoặc bộ phận công trình (trong trường hợp thi công công tác xây dựng chuyên biệt) đã thực hiện theo nội dung kê khai (đối với tổ chức thi công xây dựng hạng I, hạng II);

Các tài liệu cung cấp kèm theo Đơn đề nghị đều là bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý.

* Số lượng hồ sơ: 01 bộ

* Thẩm quyền cấp chứng chỉ:

– Cục quản lý hoạt động xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ năng lực hạng I;

– Sở Xây dựng, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được công nhận cấp chứng chỉ năng lực hạng II, hạng III.

* Trình tự xử lý hồ sơ:

Bước 1: Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ  đến cơ quan cấp chứng chỉ.

Hình thức: trực tiếp hoặc qua mạng trực tuyến

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và cấp biên nhận có hẹn ngày trả kết quả cho người nộp.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận thông báo một lần bằng văn bản tới tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực về yêu cầu bổ sung hồ sơ hoặc tổ chức phúc tra để xác minh hồ sơ nếu cần thiết.

Bước 3: Tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực:

+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Hội đồng xét cấp chứng chỉ năng lực có trách nhiệm đánh giá năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức trình Sở Xây dựng quyết định cấp chứng chỉ.

+ Trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày quyết định cấp chứng chỉ năng lực, Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị cấp Mã số chứng chỉ năng lực tới Bộ Xây dựng.

+ Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Xây dựng có trách nhiệm phát hành Mã số chứng chỉ năng lực, đồng thời thực hiện việc tích hợp thông tin để quản lý, tra cứu chứng chỉ năng lực và công bố thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

Bước 4: Tổ chức căn cứ vào ngày hẹn trên Biên nhận đến nhận kết quả giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Xây dựng.

* Lệ phí nhà nước

– Lệ phí cấp mới Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức: 1.000.000 đồng/chứng chỉ.

8. Dịch vụ xin cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của Timelaw

Để tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức khi tiến hành thực hiện thủ tục, hãy liên hệ Timelaw để được hỗ trợ:

– Tư vấn cấp chứng chỉ năng lực xây dựng phù hợp

– Chuẩn bị đầy đủ thành phần hồ sơ

– Liên hệ làm việc với cơ quan có thẩm quyền, trực tiếp nộp hồ sơ.

– Xử lý những vấn để phát sinh trong quá trình thực hiện.

– Nhận và trả kết quả cho khách hàng.

Trên đây là nội dung tư vấn của TimeLaw. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 0948.615.666 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.

Xin chân thành cảm ơn!