Đăng ký bảo hộ quyền tác giả

ĐĂNG KÝ BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ
Mặc dù cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ nhưng với ý tưởng sáng tạo, nhiều tác phẩm nghệ thuật của nhiều tác giả mang những ý nghĩa, tính nghệ thuật nhất định được ra đời. Lúc này đặt ra vấn đề, cần bảo hộ bản quyền tác giả đổi với các tác phẩm này, để bảo vệ những nét riêng biệt, mang tính cá nhân của tác giả. Vậy ý nghĩa của việc đăng ký bản quyền tác giả là gì? Các tác phẩm nào được bảo hộ bản quyền tác giả? Quy trình, thủ tục đăng ký bản quyền tác giả như thế nào? Cùng Timelaw tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Cơ sở pháp lý liên quan đến đăng ký bảo hộ quyền tác giả:

– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019, 2022.

– Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018.

– Thông tư 211/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016

1. Quyền tác giả phát sinh khi nào?

Quyền tác giả tự động phát sinh từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Như vậy, quyền tác giả phát sinh khi:

Tác phẩm được thể hiện dưới dạng một hình thức vật chất nhất định (tính định hình).

Nếu một tác phẩm mới lên ý tưởng, hình thành trong đầu hoặc nói ra bằng lời, không được ghi âm hay thể hiện dưới dạng cụ thể thì chưa phát sinh quyền tác giả.

– Tác phẩm phải do chính tác giả sáng tạo ra tác phẩm (tính nguyên gốc), không sao chép, không mang tính thuần túy, có tính sáng tạo.

2. Ý nghĩa của việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả (Đăng ký bản quyền tác giả)

Đăng ký bản quyền tác giả được coi là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra và cơ sở chứng minh quyền.

Mặc dù quyền tác giả phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được định hình, tuy nhiên, để có cơ sở chứng minh quyền, đó là việc đăng ký bản quyền tác giả.

3. Các tác phẩm được đăng ký bản quyền tác giả? Tác phẩm không được đăng ký bản quyền tác giả?

3.1. Tác phẩm có thể thực hiện đăng ký bản quyền tác giả

Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bản quyền tác giả bao gồm:

– Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác: là tác phẩm thể hiện bằng chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự thay cho chữ viết mà các đối tượng tiếp cận có thể sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau.

– Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác là tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.

– Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu: phần mềm máy tính,…

– Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: Hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản.

– Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

– Tác phẩm sân khấu là tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: Chèo, tuồng, cải lương, múa rối, kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

– Tác phẩm báo chí là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.

– Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh là tác phẩm được thể hiện bằng hình ảnh động kết hợp hoặc không kết hợp với âm thanh và các phương tiện khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh là một phần của tác phẩm điện ảnh đó;

– Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có thể có chú thích hoặc không có chú thích.

– Tác phẩm kiến trúc là tác phẩm thuộc loại hình kiến trúc, bao gồm: Bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình hoặc tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh; Công trình kiến trúc.

– Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học bao gồm họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa học và kiến trúc.

– Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là các loại hình nghệ thuật biểu diễn như chèo, tuồng, cải lương, múa rối, điệu hát, làn điệu âm nhạc; điệu múa, vở diễn, trò chơi dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian.

3.2. Đối tượng không được bảo hộ và đăng ký bản quyền tác giả

Đây là những đối tượng không mang tính sáng tạo, mang tính phổ biến, là công thức, nguyên lý mà mọi người có thể khám phá được, bao gồm:

– Tin tức thuần túy đưa tin (các thông tin báo chí ngắn hàng ngày chỉ thuần túy mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo).

– Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính và bản dịch chính thức của văn bản đó bao gồm: văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

– Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

4. Thủ tục đăng ký bản quyền tác giả

4.1. Hồ sơ cần chuẩn bị

Để đăng ký bản quyền tác giả, tác giả cần chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu như sau:

– 02 Tờ khai đăng ký quyền tác giả.

Lưu ý:

+ Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ ký tên.

+ Tờ khai cần ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.

+ Tờ khai có mô tả tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.

– 02 bản sao tác phẩm đăng ký bản quyền tác giả.

Lưu ý: Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.

– Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;

– Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn;

– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.

– Bản sao công chứng CCCD/CMND của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;

– Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty (nếu chủ sở hữu là công ty).

Lưu ý: Tất cả các tài liệu nộp kèm đơn đăng ký quyền tác giả phải được làm bằng tiếng Việt. Trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng/chứng thực.

4.2. Thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Cục bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

4.3. Quy trình thực hiện đăng ký Quyền tác giả

Bước 1: Xác định thể loại tác phẩm đăng ký và Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả

Chủ sở hữu, tác giả tác phẩm Chuẩn bị 02 bộ hồ sơ đăng ký bản quyền theo hướng dẫn trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả

Nộp trực tiếp tại Cục Bản quyền tác giả tại các địa chỉ sau:

– Cục Bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội.

– Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, P. 6, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh.

– Văn phòng đại diện tại TP. Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Hoặc nộp qua đường bưu điện đến các địa chỉ nêu trên.

Bước 3: Theo dõi và xử lý hồ sơ

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

– Trong trường hợp từ chối thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.

Bước 4: Đóng lệ phí nhà nước và nhận kết quả đăng ký Bản quyền tác giả

Đối với từng loại tác phẩm, mức lệ phí nhà nước như sau:

– Đối với tác phẩm viết như tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác, tác phẩm báo chí, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm nhiếp ảnh thì mức lệ phí là: 100.000 đồng/hồ sơ đăng ký.

– Đối với tác phẩm tác phẩm kiến trúc; bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học thì mức lệ phí là: 300.000 đồng/hồ sơ đăng ký.

– Đối với tác phẩm tác phẩm tạo hình, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng thì mức lệ phí là: 400.000 đồng/hồ sơ đăng ký.

– Đối với tác phẩm tác phẩm phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình trên băng, đĩa thì mức lệ phí là: 500.000 đồng/hồ sơ đăng ký.

– Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu hoặc các chương trình chạy trên máy tính thì mức lệ phí là: 600.000 đồng/hồ sơ đăng ký.

5. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan đến quyền tác giả

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả được quy định như sau:

– Quyền nhân thân của tác giả: được bảo hộ vô thời hạn.

– Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và quyền tài sản quy định có thời hạn bảo hộ sau:

+ Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên;

+ Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình;

+ Đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định dưới đây:

Tác phẩm không thuộc loại hình quy định trên có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;
Thời hạn bảo hộ quy định trên chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

6. Thủ tục cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả

– Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có nhu cầu xin cấp lại hoặc đổi Giấy chứng nhận thì nộp đơn nêu rõ lý do và nộp 01 hồ sơ theo quy định.

– Cục Bản quyền tác giả cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp Giấy chứng nhận bị mất; đổi Giấy chứng nhận trong trường hợp bị rách nát, hư hỏng hoặc thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả.

7. Thủ tục hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả

– Trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã đăng ký không thuộc đối tượng bảo hộ thì Cục Bản quyền tác giả hủy bỏ hiệu lực các Giấy chứng nhận đã cấp.

– Tổ chức, cá nhân phát hiện việc cấp Giấy chứng nhận trái với quy định của Luật này thì có quyền yêu cầu Cục Bản quyền tác giả hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận.

8. Một số câu hỏi liên quan đến đăng ký bản quyền tác giả

8.1. Tác giả của tác phẩm được xác định như thế nào?

– Tác giả là những người bằng trí tuệ của mình trực tiếp tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện dưới dạng vật chất nhất định.

– Đồng tác giả là những người cùng trực tiếp tham gia sáng tạo ra một tác phần hoặc toàn bộ tác phẩm.

– Tổ chức, cá nhân hỗ trợ, góp ý kiến, cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả.

– Người sáng tạo ra tác phẩm phái sinh từ tác phẩm của người khác bao gồm: tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn là tác giả của tác phẩm phái sinh đó.

8.2. Chủ thể nào được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam?

– Cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả;

– Cá nhân nước ngoài có tác phẩm sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất tại Việt Nam;

– Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam;

– Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

9. Dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả của Timelaw

Với đội ngũ chuyên gia, luật sư dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chúng tôi cung cấp dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả với các công việc như sau:

– Tiếp nhận, tư vấn thủ tục và điều kiện đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm, xác định tác phẩm đăng ký bảo hộ là loại tác phẩm nào.

– Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, soạn thảo hồ sơ đăng ký bản quyền nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Đại diện đăng ký bản quyền tác giả cho khách hàng

– Theo dõi tiến trình đăng ký, xử lý đơn tại Cục bản quyền tác giả;

– Thay mặt khách hàng nhận kết quả và bàn giao kết quả cho khách hàng;

– Tư vấn các vấn đề pháp lý phát sinh, tranh chấp liên quan đến quyền tác giả.

Trên đây là nội dung tư vấn của TimeLaw. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 0948.615.666 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.

Xin chân thành cảm ơn!