Giấy phép thành lập trung tâm tin học, ngoại ngữ

Chắc hẳn có rất nhiều người đang quan tâm đến việc thành lập một trung tâm ngoại ngữ và đưa trung tâm đó đi vào hoạt động. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết được muốn mở một trung tâm ngoại ngữ cần gì và cần làm những gì? Hãy cùng theo dõi nhé.

1. Quyết định thành lập trung tâm ngoại ngữ của cơ quan có thẩm quyền

Việc đầu tiên chắc chắn là hình thành nên một trung tâm ngoại ngữ đã nhỉ!

Bước 01: Thành lập doanh nghiệp chủ quản, quản lý trung tâm

Bạn có thể lựa chọn các loại hình doanh nghiệp phù hợp dựa trên số lượng thành viên góp vốn, quy mô hoạt động, số vốn hiện có, …

Doanh nghiệp sẽ đăng ký hoạt động ngành nghề giáo dục. Cụ thể khi thành lập doanh nghiệp lựa chọn mã ngành 8559 giáo dục khác chưa được phân vào đâu trong quyết định 27/2018/QĐ-TTg (Chi tiết: Trung tâm ngoại ngữ)

Bước 02: Xin giấy phép thành lập trung tâm ngoại ngữ

Theo Khoản 1 Điều 47 của Nghị định 46/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 135/2018/NĐ-CP), thẩm quyền thành lập trung tâm ngoại ngữ:

– Giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng sư phạm quyết định thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học trong khuôn viên nhà trường;

– Người đứng đầu tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế được pháp luật cho phép thành lập các trung tâm đào tạo trực thuộc có thẩm quyền quyết định đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học trực thuộc;

– Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập các trung tâm ngoại ngữ, tin học trực thuộc; cho phép thành lập các trung tâm ngoại ngữ, tin học thuộc đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm nằm ngoài khuôn viên của trường và các trung tâm ngoại ngữ, tin học quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Như vậy, thẩm quyền quyết định thành lập trung tâm ngoại ngữ của doanh nghiệp thuộc về Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo.

Hồ sơ cần chuẩn bị:

– Tờ trình đề nghị thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học;

– Đề án thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học gồm các nội dung: Tên trung tâm, địa điểm đặt trung tâm, sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập trung tâm; mục tiêu, nhiệm vụ của trung tâm; chương trình giảng dạy, quy mô đào tạo; cơ sở vật chất của trung tâm; cơ cấu tổ chức của trung tâm, sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm Giám đốc trung tâm;

– Dự thảo nội quy tổ chức hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học.

2. Xin giấy phép đủ điều kiện hoạt động của trung tâm ngoại ngữ

Tại khoản 21 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 46/2017/NĐ-CP về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục:

“Điều 48. Điều kiện để trung tâm ngoại ngữ, tin học hoạt động giáo dục

  1. Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm.
  2. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học, nguồn kinh phí phù hợp, bảo đảm chất lượng giáo dục theo kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô hoạt động của trung tâm.”

Cụ thể như sau:theo quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học:

– Đối với nhân viên:

Giám đốc trung tâm là người đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

+ Có nhân thân tốt;

+ Có năng lực quản lý;

+ Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (đối với giám đốc trung tâm ngoại ngữ).

+ Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Giáo viên dạy ở trung tâm:

Nếu Giáo viên là người bản ngữ dạy ngoại ngữ (đối với từng ngoại ngữ cụ thể): Có bằng cao đẳng trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.

Nếu Giáo viên là người nước ngoài đủ Điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

+ Có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên;

+ Có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp;

+ Có bằng cao đẳng trở lên, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.

– Về học liệu: sử dụng các chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; tự biên soạn hoặc lựa chọn các chương trình tài liệu của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; các tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế phù hợp nhu cầu người học và khả năng đáp ứng của trung tâm.

– Cơ sở vật chất: đủ các điều kiện về phòng cháy chữa cháy.

Hồ sơ xin giấy phép:

– Tờ trình đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục;

– Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định thành lập trung tâm do người có thẩm quyền cấp;

– Nội quy hoạt động giáo dục của trung tâm;

– Báo cáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; văn bản chứng minh về quyền sử dụng hợp pháp đất, nhà; nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của trung tâm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Timebit Law, nếu Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 0948.615.666 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.

Xin chân thành cảm ơn!