Giấy phép dịch vụ việc làm, cho thuê lại lao động

Hiện nay, nhu cầu về lao động ngày càng tăng cao, đặt ra vấn đề xuất hiện các đơn vị, tổ chức kết nối lao động với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi tối đa của người sử dụng lao động cũng như người lao động- một bộ phận yếu thế, Pháp luật đưa ra các yêu cầu, điều kiện nhất định khi thực hiện như việc xin Giấy phép dịch vụ việc làm, Giấy phép cho thuê lại lao động. Cùng Timelaw hiểu rõ hơn các vấn đề này qua bài viết dưới đây.

A. GIẤY PHÉP DỊCH VỤ VIỆC LÀM

Cơ sở pháp lý liên quan đến Giấy phép dịch vụ việc làm:

– Luật việc làm 2013

– Nghị định 23/2021/NĐ-CP

1. Nội dung thực hiện của Giấy phép dịch vụ việc làm là gì?

Dịch vụ việc làm bao gồm: tư vấn, giới thiệu việc làm; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động.

Dịch vụ việc làm sẽ do trung tâm dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm thực hiện.

Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm sẽ được là các hoạt động sau:

– Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động.

– Cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

– Thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động.

– Phân tích và dự báo thị trường lao động.

– Đào tạo kỹ năng, dạy nghề theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện các chương trình, dự án về việc làm.

2. Điều kiện cấp Giấy phép dịch vụ việc làm

Để được cấp Giấy phép dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau:

2.1. Điều kiện về ngành nghề kinh doanh

Doanh nghiệp xin cấp Giấy phép dịch vụ việc làm phải có Đăng ký kinh doanh và đăng ký ngành nghề dịch vụ việc làm.

2.2. Điều kiện về trụ sở kinh doanh

Doanh nghiệp dự định xin Giấy phép dịch vụ việc làm phải có địa điểm đặt trụ sở để tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định theo hợp đồng từ 03 năm (36 tháng) trở lên.

2.3. Điều kiện về tài chính

Doanh  nghiệp phải thực hiện ký quỹ 300.000.000 VNĐ (Ba trăm triệu đồng)

2.4. Điều kiện về người quản lý của doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù,
  • Đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú,
  • Bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi,
  • Bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến dịch vụ việc làm;

– Có trình độ từ đại học trở lên hoặc đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý dịch vụ việc làm hoặc cung ứng lao động từ đủ 02 năm (24 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

3. Thủ tục xin Giấy phép dịch vụ việc làm

3.1. Thẩm quyền cấp giấy phép dịch vụ việc làm

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

3.2. Hồ sơ doanh nghiệp cần chuẩn bị

Doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

(1) Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp theo Mẫu

(2) 01 bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản gốc để đối chiếu Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê trụ sở kinh doanh

(3) Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm theo Mẫu do Ngân hàng cấp

(4) Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Mẫu

(5) Phiếu lý lịch tư pháp số 1 của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Trường hợp người đại diện là người nước ngoài không thuộc đối tượng cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì được thay thế bằng phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài.

Lưu ý:

+ Phiếu lý lịch tư pháp số 1 hoặc văn bản xác nhận phải được cấp trước ngày nộp hồ sơ không quá 06 tháng.

+ Văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.

(6) 01 bản sao chứng thực từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản gốc để đối chiếu bằng Đại học chuyên môn dịch vụ việc làm hoặc một trong các văn bản chứng minh thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý dịch vụ việc làm hoặc cung ứng lao động của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như sau:

+  Bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản gốc đế đối chiếu hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

+ Bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản gốc để đối chiếu quyết định bổ nhiệm (đối với người làm việc theo chế độ bổ nhiệm) hoặc văn bản công nhận kết quả bầu (đối với người làm việc theo chế độ bầu cử) của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với trường hợp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm).

Lưu ý: Nếu là văn bản của nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật.

3.3. Quy trình thực hiện

Bước 1: Doanh nghiệp nộp đầy đủ 01 bộ hồ sơ như trên đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

Bước 2: Theo dõi và xử lý hồ sơ

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp giấy phép đối với doanh nghiệ.

Trường hợp không được cấp giấy phép, cơ quan có thẩm quyền ra thông báo sửa đổi và nêu rõ lý do để doanh nghiệp sửa đổi, nộp lại hồ sơ.

Bước 3: Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp giấy phép, doanh nghiệp phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về giấy phép, địa điểm, lĩnh vực hoạt động, tên người đại diện theo pháp luật thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm, số điện thoại, e-mail, website.

Trước 10 ngày làm việc, kể từ ngày bắt đầu hoạt động dịch vụ việc làm, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Lao Động – Thương Binh & Xã Hội nơi đặt trụ sở chính về ngày bắt đầu hoạt động.

4. Thời hạn của Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm

– Giấy phép dịch vụ việc làm có thời hạn là 60 tháng (05 năm).

– Giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng;

– Thời hạn giấy phép được cấp lại bằng thời hạn còn lại của giấy phép đã được cấp trước đó.

5. Dịch vụ xin Giấy phép dịch vụ việc làm của Timelaw

– Tư vấn các điều kiện được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm.

– Hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng cung cấp thông tin, giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm.

– Hoàn thiện hồ sơ xin cấp mới, gia hạn hoặc cấp lại Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm.

– Đại diện doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp mới, gia hạn, cấp lại Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm.

– Nhận và bàn giao tận tay cho khách hàng Giấy phép dịch vụ việc làm.

 

B. GIẤY PHÉP CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG

Cơ sở pháp lý liên quan đến Giấy phép cho thuê lại lao động:

– Bộ luật Lao động 2019

– Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ

1. Giấy phép cho thuê lại lao động được cấp cho những đối tượng nào?

Cho thuê lại lao động được hiểu là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động (doanh nghiệp cho thuê lại lao động) đã giao kết hợp đồng lao động trước đó.

Cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới được cấp Giấy phép cho thuê lại lao động.

Tuy nhiên, không phải công việc nào cũng được thực hiện cho thuê lại lao động, dưới đây là 20 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động:

STT

Công việc

1 Phiên dịch/Biên dịch/Tốc ký
2 Thư ký/Trợ lý hành chính
3 Lễ tân
4 Hướng dẫn du lịch
5 Hỗ trợ bán hàng
6 Hỗ trợ dự án
7 Lập trình hệ thống máy sản xuất
8 Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông
9 Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất
10 Dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy
11 Biên tập tài liệu
12 Vệ sĩ/Bảo vệ
13 Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại
14 Xử lý các vấn đề tài chính, thuế
15 Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô
16 Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất
17 Lái xe
18 Quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển
19 Quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí
20 Lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay/Bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay/Điều độ, khai thác bay/Giám sát bay

* Các trường hợp không cấp Giấy phép cho thuê lại lao động:

– Không bảo đảm điều kiện theo quy định;

– Đã sử dụng giấy phép giả để hoạt động cho thuê lại lao động;

– Có người đại diện theo pháp luật đã từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép vì những lý do tại các điểm d, đ và điểm e khoản 1 Điều 28 Nghị định 145/2020/NĐ-CP trong 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động;

– Có người đại diện theo pháp luật đã từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sử dụng giấy phép giả.

2. Điều kiện cấp Giấy phép cho thuê lại lao động

Doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện sau thì được cấp Giấy phép cho thuê lại lao động:

2.1. Điều kiện về ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải có Đăng ký kinh doanh và đăng ký hoạt động mã ngành cho thuê lại lao động

2.2. Điều kiện về người đại diện của doanh nghiệp cho thuê lại lao động

Người đại diện của doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

– Không có án tích;

– Đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

2.3. Điều kiện về tài chính

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thực hiện ký quỹ là 2.000.000.000 VNĐ (Hai tỷ đồng) tại Ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Mục đích của việc ký quỹ:

– Thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho thuê lại.

– Bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động thuê lại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.

3. Thủ tục xin Giấy phép cho thuê lại lao động

3.1. Thẩm quyền cấp Giấy phép cho thuê lại lao động

Cơ quan cấp Giấy phép: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính có thẩm quyền cấp giấy phép đối với doanh nghiệp.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính

3.2. Hồ sơ cần chuẩn bị

Hồ sơ xin Giấy phép cần chuẩn bị các văn bản sau:

STT

Danh mục hồ sơ

Đối tượng thực hiện

1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp theo mẫu TIMELAW
2. Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo mẫu. TIMELAW
3. Phiếu lý lịch tư pháp số 1 của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Trường hợp người đại diện là người nước ngoài thì được thay thế bằng phiếu lý lịch tư pháp tại quốc gia mang quốc tịch.

(Lưu ý: Các văn bản này được cấp trước ngày nộp hồ sơ không quá 06 tháng. Văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự)

Doanh nghiệp
4. Một trong các văn bản sau:

– Bản sao được chứng thực từ bản chính hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

– Bản sao được chứng thực từ bản chính quyết định bổ nhiệm (đối với người làm việc theo chế độ bổ nhiệm) hoặc văn bản công nhận kết quả bầu (đối với người làm việc theo chế độ bầu cử) của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với trường hợp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại hoặc cung ứng lao động).

(Lưu ý: Đối với văn bản của nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự)

Doanh nghiệp
5. Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động (theo mẫu) Doanh nghiệp
6. Bản sao công chứng ĐKKD của doanh nghiệp Doanh nghiệp

3.3. Quy trình cấp giấy phép

Bước 1: Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị cấp giấy phép.

Hình thức nộp: Nộp trực tiếp

Bước 2: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

– Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bảo đảm theo quy định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép đối với doanh nghiệp.

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không bảo đảm theo quy định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cấp giấy phép đối với doanh nghiệp; trường hợp không cấp giấy phép thì có văn bản trả lời doanh nghiệp trong đó nêu rõ lý do không cấp giấy phép.

Bước 3: Nhận kết quả là Giấy phép cho thuê lại lao động

4. Thời hạn của Giấy phép cho thuê lại lao động

– Thời hạn của Giấy phép cho thuê lại lao động là 60 tháng (05 năm)

– Giấy phép có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng (05 năm)

– Đối với trường hợp cấp lại Giấy phép, thời hạn giấy phép được cấp lại bằng thời hạn còn lại của giấy phép đã được cấp trước đó.

5. Các trường hợp Gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép cho thuê lại lao động

5.1. Gia hạn Giấy phép cho thuê lại lao động

5.1.1. Giấy phép cho thuê lại lao động được gia hạn nếu đáp ứng các điều kiện sau:

– Bảo đảm các điều kiện của doanh nghiệp cho thuê lại lao động;

– Không thuộc trường hợp bị thu hồi giấy phép;

– Tuân thủ đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định;

– Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép được gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày hết hiệu lực của giấy phép ít nhất 60 ngày làm việc.

5.1.2. Hồ sơ xin gia hạn Giấy phép cho thuê lại lao động

– Văn bản đề nghị gia hạn giấy phép của doanh nghiệp theo mẫu;

– Giấy chứng nhận tiền ký quỹ theo mẫu;

– Các văn bản liên quan đến người đại diện nếu việc gia hạn đồng thời với thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

5.1.3. Quy trình gia hạn Giấy phép cho thuê lại lao động

Bước 1: Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính

Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm tra và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định gia hạn giấy phép đối với doanh nghiệp.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ nếu hồ sơ không đảm bảo theo quy định.

5.2. Các trường hợp cấp lại Giấy phép cho thuê lại lao động

5.2.1 Khi thuộc các trường hợp sau, doanh nghiệp được yêu cầu cấp lại Giấy phép:

– Thay đổi một trong các nội dung của giấy phép đã được cấp, gồm: tên doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính nhưng vẫn trên địa bàn cấp tỉnh đã cấp giấy phép; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

– Giấy phép bị mất;

– Giấy phép bị hư hỏng không còn đầy đủ thông tin trên giấy phép;

– Thay đổi địa chỉ trụ sở chính sang địa bàn cấp tỉnh khác so với nơi đã được cấp giấy phép.

5.2.2. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép bao gồm:

– Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép theo mẫu;

– Bản sao công chứng Đăng ký kinh doanh đối với trường hợp thay đổi tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính nhưng vẫn trên địa bàn cấp tỉnh đã cấp giấy phép hoặc giấy phép bị hư hỏng không còn đầy đủ thông tin trên giấy phép;

– Bản sao công chứng các giấy tờ liên quan đến người đại diện trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

– Giấy chứng nhận ký quỹ và Bản sao công chứng các giấy tờ liên quan đến người đại diện đối với trường hợp giấy phép bị mất;

– Giấy phép đã được cấp trước đó đối với trường hợp thay đổi nội dung trên Giấy phép hoặc Giấy phép bị hư hỏng.

5.3. Thu hồi giấy phép cho thuê lại lao động

Doanh nghiệp cho thuê lại bị thu hồi giấy phép trong các trường hợp sau:

– Chấm dứt hoạt động cho thuê lại lao động theo đề nghị của doanh nghiệp cho thuê lại;

– Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản;

– Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định;

– Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;

– Cho thuê lại lao động để thực hiện công việc không thuộc danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động;

– Doanh nghiệp cho thuê lại có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp hoặc sử dụng giấy phép giả.

6. Một số câu hỏi thường gặp

6.1. Cho hỏi công ty thuê lại lao động có được quyền chuyển người lao động mình thuê lại cho công ty khác hay không? Nếu không thì công ty vi phạm sẽ bị xử phạt thế nào?

Trả lời: Khoản 4 Điều 53 Bộ luật lao động 2019 quy định: “Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.”

Như vậy, công ty thuê lại lao động không được chuyển người lao động mà mình thuê lại cho công ty khác, kể cả không sử dụng hết.

Nếu công ty thuê lại lao động vẫn cố tình cho thuê lại lao động mà mình thuê thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP với mức phạt từ 80.000.000 VNĐ cho đến 100.000.000 VNĐ (theo Điều 6, Khoản 2 Điều 13)

6.2. Doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động cho thuê lại lao động quá 12 tháng có bị xử phạt hay không? Mức phạt là bao nhiêu?

Trả lời: Một trong những nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động là “Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng” (Khoản 1 Điều 53 Bộ luật lao động 2019)

Nếu quá thời hạn trên, theo khoản 6 Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp bị xử phạt ở mức 80.000.000 VNĐ đến 100.000.000 VNĐ. Ngoài ra có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động lên đến 12 tháng.

7. Dịch vụ xin Giấy phép cho thuê lại lao động của Timelaw

Đến với Timelaw, doanh nghiệp cho thuê lại lao động sẽ nhận được các dịch vụ sau:

– Tư vấn các điều kiện được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

– Hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng cung cấp thông tin, giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

– Hoàn thiện hồ sơ xin cấp mới, gia hạn hoặc cấp lại Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

– Đại diện doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp mới, gia hạn, cấp lại Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

– Nhận và bàn giao tận tay cho khách hàng Giấy phép cho thuê lại lao động.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của TimeLaw. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 0948.615.666 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.

Xin chân thành cảm ơn!