Giấy phép lữ hành

GIẤY PHÉP LỮ HÀNH – QUY ĐỊNH MỚI NHẤT 2023

Nhận thấy những lợi thế, tiềm năng về du lịch, các doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao. Qua đó, ngành du lịch Việt Nam đã nhanh chóng khởi sắc trở lại sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, góp phần quan trọng đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế chung của nước nhà.

Nhưng để đi vào hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp du lịch cần xin Giấy phép hoạt động lữ hành nội địa/quốc tế. Vậy Giấy phép lữ hành là gì? Điều kiện, thủ tục xin Giấy phép như thế nào? Cùng Timelaw tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Cơ sở pháp lý liên quan đến Giấy phép lữ hành

– Luật du lịch năm 2017

– Nghị định 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật du lịch;

– Nghị định 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch;

– Nghị định số 94/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ 28/10/2021 đến hết ngày 31/12/2023)

– Thông tư số 33/2018/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về lệ phí nhà nước

1. Giấy phép lữ hành là gì?

Khoản 9 Điều 3 Luật du lịch 2017 có giải thích: “Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch”. Như vậy, hoạt động lữ hành là toàn bộ quá trình phục vụ khách du lịch từ khâu lên kế hoạch sản phẩm du lịch, bán sản phẩm (Đại lý du lịch – 7911) và tổ chức thực hiện kế hoạch đã xây dựng để đem đến du lịch sự trải nghiệm, giải trí, tìm hiểu, khám phá,… (Điều hành tua du lịch – 7912).

Và khi kinh doanh dịch vụ lữ hành phải có Giấy phép lữ hành, là văn bản do cơ quan nhà nước ghi nhận doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, là sự cho phép, quản lý, theo dõi cũng như giám sát đối với hoạt động của doanh nghiệp.

2. Phạm vi hoạt động của Giấy phép lữ hành

Giấy phép lữ hành gồm: Giấy phép lữ hành nội địa và Giấy phép lữ hành quốc tế.

– Giấy phép lữ hành nội địa cho phép doanh nghiệp phục vụ khách du lịch nội địa, trong nước.

– Giấy phép lữ hành quốc tế cho phép doanh nghiệp phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài.

Doanh nghiệp được cấp Giấy phép lữ  hành quốc tế được phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Nhưg không có trường hợp ngược lại.

3. Điều kiện cấp Giấy phép lữ hành

3.1. Điều kiện về ngành nghề kinh doanh

– Doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh, có đăng ký ngành nghề lữ hành

3.2. Điều kiện về tài chính

– Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động lữ hành phải thực hiện ký quỹ.

Ký quỹ là hoạt động doanh nghiệp gửi một khoản tiền vào ngân hàng và ngân hàng thực hiện phong tỏa số tiền đó.

Mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động trong năm 2023 đang là:

+ Lữ hành nội địa: 20.000.000 VNĐ (Hai mươi triệu đồng)

+ Lữ hành quốc tế (Khách đến Việt Nam du lịch): 50.000.000 VNĐ (năm mươi triệu đồng)

+ Lữ hành quốc tế (Khách ra nước ngoài  du lịch): 100.000.000 VNĐ (Một trăm triệu đồng)

+ Lữ hành quốc tế (Cả khách đến Việt Nam du lịch và Khách ra nước ngoài du lịch): 100.000.000 VNĐ (Một trăm triệu đồng)

Hết ngày 31/12/2023, mức ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh dữ hành quay trở lại về mức theo Nghị định 168/2017/NĐ-CP như sau:

+ Lữ hành nội địa: 100.000.000 VNĐ (Một trăm triệu đồng)

+ Lữ hành quốc tế (Khách đến Việt Nam du lịch): 250.000.000 VNĐ (Hai trăm năm mươi triệu đồng)

+ Lữ hành quốc tế (Khách ra nước ngoài  du lịch): 500.000.000 VNĐ (Năm trăm triệu đồng)

+ Lữ hành quốc tế (Cả khách đến Việt Nam du lịch và Khách ra nước ngoài du lịch): 500.000.000 VNĐ (Năm trăm triệu đồng)

Doanh nghiệp lưu ý, trường hợp đã ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mức trước đó phải thực hiện đổi Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mức ký quỹ tại Nghị định 168/2017/NĐ-CP.

– Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ tại Ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam.

Sau khi thực hiện ký quỹ, Doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.

– Các trường hợp số tiền ký quỹ được giải tỏa tạm thời: Trường hợp khách du lịch bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết kịp thời, doanh nghiệp gửi đề nghị giải tỏa tạm thời tiền ký quỹ đến cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

– Doanh nghiệp được hoàn trả tiền ký quỹ nếu:

+ Doanh nghiệp không được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc thay đổi ngân hàng nhận ký quỹ

+ Bị thu hồi Giấy phép kinh doanh hoạt động lữ hành.

3.3. Điều kiện về Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành

– Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ 01 trong các chức danh sau: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Tổng giám đốc, trường bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành,…

– Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành. Chuyên ngành về lữ hành bao gồm:

+ Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;

+ Quản trị lữ hành;

+ Điều hành tour du lịch;

+ Marketing du lịch;

+ Du lịch;

+ Du lịch lữ hành;

+ Quản lý và kinh doanh du lịch;

+ Quản trị du lịch MICE;

+ Đại lý lữ hành;

+ Hướng dẫn du lịch;

+ Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành’, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước ngày 20/01/2020;

+ Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.

Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.’’

– Hoặc trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa/ lữ hành quốc tế, phù hợp với Giấy phép lữ hành Doanh nghiệp định xin.

4. Thủ tục xin cấp Giấy phép lữ hành

4.1. Hồ sơ cần chuẩn bị

– Số lượng: 01 bộ

– Hồ sơ bao gồm các Giấy tờ sau:

+ Đơn đề nghị theo mẫu

+ Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

+ Bản gốc Giấy chứng nhận ký quỹ do Ngân hàng cấp

+ Quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành

+ Bản sao công chứng bằng cấp, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành

+ Bản sao công chứng CCCD/CMND của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành

4.2. Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy phép

– Tổng cục du lịch – Bộ văn hóa thể thao và du lịch cấp Giấy phép lữ hành quốc tế.

– Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép lữ hành nội địa.

4.3. Lệ phí nhà nước

Lệ phí nhà nước: 3.000.000 VNĐ/ Giấy phép

4.4. Quy trình thực hiện

Bước 1: Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép.

Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tiếp/ Nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện.

Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan có thẩm quyền trả Kết quả cho Doanh nghiệp, cấp phép hoặc từ chối cấp phép bằng văn bản.

Bước 3: Nếu hồ sơ bị từ chối, doanh nghiệp thực hiện sửa đổi theo hướng dẫn và nộp lại.

Bước 4: Nhận kết quả

5. Thời hạn của Giấy phép lữ hành

Giấy phép lữ hành hiện không quy định thời hạn sử dụng. Như vậy có thể hiểu, doanh nghiệp được phép kinh doanh đến khi không còn nhu cầu hoặc bị thu hồi Giấy phép.

6. Cấp lại, cấp đổi, bị thu hồi Giấy phép lữ hành trong trường hợp nào?

– Doanh nghiệp được cấp lại Giấy phép lữ hành nếu bị mất, bị thất lạc, bị hư hỏng

– Doanh nghiệp được cấp đổi Giấy phép lữ hành nếu có thay đổi thông tin trên Giấy phép kinh doanh như thông tin Doanh nghiệp hoặc thay đổi phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

– Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy phép trong các trường hợp sau:

+ Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản;

+ Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành

+ Không đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong trường hợp phải đổi Giấy phép.

+ Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh;

+ Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật;

+ Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;

+ Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;

+ Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

7. Kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có Giấy phép bị xử phạt bao nhiêu?

Theo Khoản 14 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp bị phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Ngoài ra doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành trong suốt quá trình hoạt động nếu không cũng sẽ bị phạt với mức phạt cao nhất là 100.000.000 đồng và các hình phạt bổ sung.

8. Dịch vụ xin Giấy phép lữ hành của Timelaw

– Tư vấn điều kiện đăng ký cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa/ quốc tế;

– Soạn thảo hồ sơ, hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị Giấy tờ để xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

– Thay mặt doanh nghiệp làm các thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

– Cập nhật thông tin kịp thời cho Doanh nghiệp trong quá trình xin Giấy phép;

– Nhận kết quả và bàn giao Giấy phép cho doanh nghiệp;

– Tư vấn các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh lữ hành của doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung tư vấn của TimeLaw. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 0948.615.666 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.

Xin chân thành cảm ơn!