Giấy phép hoạt động thương mại điện tử

Khi công nghệ 4.0 phát triển, cùng với sự phát triển các thiết bị điện tử, nhu cầu mua sắm online của người dùng càng phát triển. Hiểu được vấn đề này, hiện nay, một phần hoạt động thương mại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã thực hiện trên các phương tiện điện tử này. Tuy nhiên, trước khi sử dụng phương thức ngày, nhà cung cấp cần thực hiện các nghĩa vụ gì? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của Timelaw nhé!

Căn cứ pháp lý liên quan đến Giấy phép hoạt động thương mại điện tử:

– Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động thương mại điện tử

– Nghị định 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP

1. Hoạt động thương mại điện tử là gì? Giấy phép hoạt động thương mại điện tử là gì?

Hoạt động thương mại điện tử được hiểu là hoạt động thương mại thực hiện trên môi trường điện tử, là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quá trình kinh doanh thương mại bằng các phương thức điện tử (có kết nối mạng Internet), mạng viễn thông di động.

Chủ thể thực hiện hoạt động thương mại điện tử bao gồm:

– Các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng).

– Các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

– Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người bán).

– Các thương nhân, tổ chức, cá nhân mua hàng hóa hoặc dịch vụ trên website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (khách hàng)

– Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động thương mại điện tử.

– Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử có nối mạng khác để tiến hành hoạt động thương mại.

Hoạt động thương mại điện tử được thực hiện dưới 02 hình thức sau:

(1)  Hình thức Website thương mại điện tử bán hàng: Đây là hình thức website thương mại điện tử do chính các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của chính mình.

(2) Hình thức Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử: Đây là hình thức website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại trên website đó.

Hình thức này được tổ chức dưới các dạng:

+ Sàn giao dịch thương mại điện tử;

+ Website đấu giá trực tuyến;

+ Website khuyến mại trực tuyến;

+ Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

Với từng hình thức Website thương mại điện tử mà nghĩa vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân quản lý website là khác nhau.

– Với hình thức Website thương mại điện tử bán hàng, thương nhân quản lý cần Thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng.

– Với hình thức Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, thương nhân quản lý phải đăng ký trực tuyến với Bộ Công Thương về việc thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Đây chính là việc cấp phép hoạt động thương mại điện tử cho thương nhân, tổ chức và cá nhân quản lý website, thực hiện hoạt động thương mại điện tử.

2. Thủ tục thông báo Website thương mại điện tử bán hàng

2.1. Điều kiện để thiết lập trang Website thương mại điện tử bán hàng

– Thực hiện thông báo với Bộ Công Thương

– Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin trên Website, gồm các thông tin sau:

+ Thông tin về ngưởi sở hữu Website: Tên và địa chỉ trụ sở hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân; số giấy chứng nhận ĐKKD; SĐT hoặc phương thức liên hệ trực tuyến khác để tiếp nhận phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

+ Thông tin hàng hóa dịch vụ: cung cấp chính xác các đặc tính, thông tin trên nhãn hàng hóa, thông tin về giấy phép đủ điều kiện kinh doanh các mặt hàng đó.

+ Thông tin về giá cả

+ Thông tin về các điều kiện giao dịch như: Các chính sách đổi trả hàng, chính sách bảo hành,….

+ Thông tin về phương thức thanh toán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa, dịch vụ.

2.2. Thủ tục thông báo thiết lập trang Website thương mại điện tử bán hàng

– Hình thức thông báo: Online qua trang: www.online.gov.vn

– Thời hạn thông báo: trước khi chính thức bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đến người dùng.

– Các thông tin sẽ thông báo:

+  Tên miền của website thương mại điện tử;

+  Loại hàng hóa, dịch vụ giới thiệu trên website;

+ Tên đăng ký của thương nhân, tổ chức hoặc tên của cá nhân sở hữu website;

+  Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân;

+ Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức; hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;

+ Tên, chức danh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của người đại diện thương nhân, người chịu trách nhiệm đối với website thương mại điện tử;

+ Các thông tin khác theo yêu cầu của Bộ Công Thương.

– Quy trình thông báo:

Bước 1: Thương nhân, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống online.gov.vn bằng việc cung cấp thông tin theo mẫu.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận kết quả từ Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

– Nếu thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, thương nhân, tổ chức, cá nhân được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp Bước 3;

– Nếu đăng ký tài khoản bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải tiến hành đăng ký lại hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu.

Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Thông báo website thương mại điện tử bán hàng và tiến hành khai báo thông tin theo mẫu.

Bước 4: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

– Xác nhận thông tin khai báo đầy đủ, hợp lệ;

– Cho biết thông tin khai báo chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ. Khi đó, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin theo yêu cầu.

Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin ở Bước 4 theo quy định, nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân không có phản hồi thì hồ sơ thông báo sẽ bị chấm dứt và phải tiến hành thông báo lại hồ sơ từ Bước 3.

3. Đăng ký hoạt động Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (Sàn giao dịch thương mại điện tử)

3.1. Điều kiện thiết lập Sàn giao dịch thương mại điện tử

– Đăng ký thiết lập Website cung cấp dịch vụ Sàn giao dịch thương mại điện tử

– Xây dựng và công bố công khai trên website quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử

– Yêu cầu người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin sau khi đăng ký sử dụng dịch vụ: Tên và địa chỉ trụ sở hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân; số giấy chứng nhận ĐKKD; SĐT hoặc phương thức liên hệ trực tuyến khác để tiếp nhận phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

– Có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ.

– Lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan.

– Thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.

– Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân và thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

– Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

– Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

– Công bố công khai cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Lưu ý: Với người bán nước ngoài, các tên riêng được phiên âm tiếng Việt hoặc thể hiện bằng ký tự La tinh.

Các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử:

+ Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

+ Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;

+ Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;

+ Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

3.2. Thủ tục đăng ký Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (Sàn giao dịch thương mại điện tử)

– Hình thức thông báo: Online qua trang: www.online.gov.vn

– Thời hạn thông báo: sau khi website đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng

– Hồ sơ đăng ký bao gồm:

(1) Đơn đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

(2) Bản sao có chứng thực ĐKKD, hoặc Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

(3) Đề án cung cấp dịch vụ;

(4) Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đúng theo quy định

(5) Mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ, các điều kiện giao dịch chung, nếu có;

(6) Các tài liệu khác do Bộ Công Thương yêu cầu bổ sung.

– Quy trình đăng ký Website:

Bước 1: Thương nhân, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống online.gov.vn bằng việc cung cấp thông tin theo mẫu.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận kết quả từ Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

– Nếu thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, thương nhân, tổ chức, cá nhân được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp Bước 3;

– Nếu đăng ký tài khoản bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải tiến hành đăng ký lại hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu.

Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, thương nhân, tổ chức tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tiến hành khai báo thông tin theo quy định.

Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

– Xác nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ và yêu cầu thương nhân, tổ chức thực hiện tiếp Bước 5;

– Thông báo hồ sơ đăng ký không hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung thông tin. Khi đó thương nhân, tổ chức quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin, hồ sơ theo yêu cầu.

Bước 5: Sau khi nhận được thông báo xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, thương nhân, tổ chức gửi về Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) bộ hồ sơ đăng ký hoàn chỉnh (bản giấy) theo quy định.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin ở Bước 4 theo quy định, nếu thương nhân, tổ chức không có phản hồi thì hồ sơ đăng ký trên hệ thống sẽ bị chấm dứt và thương nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký lại từ đầu.

—————————————————————————————————————————–

Trên đây là nội dung tư vấn của TimeLaw. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 0948.615.666 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.

Xin chân thành cảm ơn!