Đăng ký kiểu dáng công nghiệp
TƯ VẤN, ĐĂNG KÝ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP
Kiểu dáng công nghiệp là kết quả của sự sáng tạo, sự độc đáo đối với một sản phẩm do chủ sở hữu sáng tạo ta. Tuy nhiên, với sự sáng tạo này, tất nhiên sẽ đem đến những tính hữu ích nhất định và nhiều bên sẽ cùng cạnh tranh, mang cái sáng tạo đó dùng trên chính sản phẩm của mình. Do vậy, để bảo hộ quyền độc quyền đối với các kiểu dáng công nghiệp này, chủ sở hữu sản phẩm cần đăng ký kiểu dáng công nghiệp và được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Vậy điều kiện, thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp như thế nào?
Cơ sở pháp lý liên quan đến đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019, 2022.
– Thông tư 01/2007/TT-BKHCN
1. Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của một sản phẩm và được thể hiện thông qua đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp của các yếu tố này, là một trong các đố tượng bảo hộ của Quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Tại sao cần bảo hộ kiểu dáng công nghiệp? Kiểu dáng công nghiệp làm tăng sức hút của một sản phẩm, hàng hóa đối với người tiêu dùng. Thậm chí, một sản phẩm bán chạy chỉ là nhờ kiểu dáng độc đáo riêng có của sản phẩm. Do đó, bảo hộ kiểu dáng cho sản phẩm là một chiến lược quan trọng của bất kỳ sản phẩm nào của doanh nghiệp.
Những lợi ích mà việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp mang lại bao gồm:
– Nâng cao được vị thế kinh doanh của đơn vị trên thị trường;
– Kiểu dáng độc quyền giúp gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm, định vị được hình ảnh của sản phẩm đối với người tiêu dùng;
– Nhờ được độc quyền chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có thể thực hiện nhượng quyền, li xăng, thu lợi cho quá trình đầu tư cho kiểu dáng sản phẩm;
Các loại kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ tại Việt Nam bao gồm:
– Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện qua hình khối, đường nét hoặc kết hợp các yếu tố này.
– Kiểu dáng công nghiệp là nhãn hàng hóa, bộ nhãn hàng hóa của sản phẩm bao gồm các yếu tố hình khối, đường nét được thể hiện hoặc kết hợp trên nhãn của sản phẩm
Phân loại kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được phân loại theo bảng phân loại quốc tế Locarno phiên bản thứ 13 để phân loại các sản phẩm phục vụ cho việc nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Các đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam
Theo qui định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, một số đối tượng không được bảo hộ với tư cách là kiểu dáng công nghiệp như:
– Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có.
– Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp.
– Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
2. Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Để được bảo hộ dưới dạng kiểu dáng công nghiệp, kiểu dáng đó phải đáp ứng các tiêu chí sau:
2.1. Kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới:
Tính mới được thể hiện ở các tiêu chí sau:
– Kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ không được đồng nhất hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với những kiểu dáng đã tồn tại trước đó.
– Kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt cơ bản với nhau nếu chỉ khác biệt bởi các đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết và ghi nhớ được. Các đặc điểm đó không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp với nhau;
– Kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ chưa bị bộc lộ công khai ở bất cứ đâu và bất kỳ hình thức nào tính đến ngày nộp đơn.
– Tính mới của kiểu dáng công nghiệp được đặt ra không những trong phạm vi quốc gia mà trên toàn thế giới.
2.2. Kiểu dáng công nghiệp phải có tính sáng tạo:
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
2.3. Kiểu dáng công nghiệp phải có khả năng áp dụng công nghiệp:
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
3. Chủ thể có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp là quyền của tất cả các cá nhân, tổ chức có kiểu dáng công nghiệp muốn đăng ký tại Việt Nam, bao gồm cá nhân, tổ chức Việt Nam, các nhân, tổ chức nước ngoài.
Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam phải được nộp thông qua tổ chức Đại diện sở hữu trí tuệ.
4. Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp
4.1. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan có thẩm quyền: Cục sở hữu trí tuệ
Địa chỉ của Cục sở hữu trí tuệ:
– Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
4.2. Hồ sơ cần chuẩn bị
Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp bao gồm các loại giấy tờ sau:
(1) 02 Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp được làm theo mẫu của Cục Sở hữu trí tuệ ban hành
(2) Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp (in 03 bộ), gồm các nội dung sau:
+ Tên kiểu dáng công nghiệp;
+ Lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp;
+ Kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất;
+ Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ;
+ Phần mô tả chi tiết kiểu dáng công nghiệp;
+ Yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
(4) Bộ ảnh chụp hoặc bộ ảnh vẽ kiểu dáng công nghiệp thể hiện được đầy đủ các góc nhìn của đối tượng cần đăng ký bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp;
(5) Chứng từ nộp phí, lệ phí.
(6) Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
(7) Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có);
(8) Tài liệu xác nhận quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác);
(9) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).
(10) Trong trường hợp trên kiểu dáng có chứa các dấu hiệu nhãn hiệu: người nộp đơn cần nộp tài liệu xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu. Cụ thể: Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hợp pháp, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (Giấy chứng nhận quyền thừa kế; Giấy chứng nhận hoặc Thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu; Hợp đồng giao việc hoặc Hợp đồng lao động) (01 bản);
4.3. Quy trình thực hiện
Bước 1: Nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo hướng dẫn và nộp hồ sơ đến Cục sở hữu trí tuệ theo 01 trong 02 cách sau:
Cách 1: Hình thức nộp đơn giấy
Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ.
Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.
(Lưu ý: Khi chuyển tiền phí, lệ phí đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn cần gửi hồ sơ qua bưu điện tương ứng đến điểm tiếp nhận đơn đó).
Cách 2: Nộp đơn trực tuyến
– Lưu ý, để nộp đơn trực tuyến, Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.
– Trình tự nộp đơn trực tuyến:
+ Người nộp đơn cần thực hiện việc khai báo và gửi đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ.
+ Sau khi hoàn thành việc khai báo và gửi đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, Hệ thống sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến.
+ Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định.
+ Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, nếu không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận.
+ Trong trường hợp Người nộp đơn không hoàn tất thủ tục nộp đơn theo quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị hủy và Thông báo hủy tài liệu trực tuyến được gửi cho Người nộp đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
– Thời hạn thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Tại bước ngày, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét đơn có đủ điều kiện về hình thức, ảnh, chủ sở hữu đơn, quyền nộp đơn, phân loại,…
Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công bố đơn.
Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị doanh nghiệp sửa đổi. Doanh nghiệp tiến hành sửa đổi theo yêu cầu và nộp công văn sửa đổi cho Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 3: Công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
– Thời hạn công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp: 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.
– Nội dung công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, ảnh và phân loại kiểu dáng công nghiệp.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
– Thời hạn thẩm định nội dung: 09 -12 tháng kể từ ngày công bố đơn.
– Cục Sở hữu trí tuệ xem xét các điều kiện đăng ký kiểu dáng công nghiệp từ đó đánh giá khả năng cấp văn bằng cho kiểu dáng công nghiệp cho chủ đơn đăng ký. Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đáp ứng đủ điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo dự định cấp văn bằng cho kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký.
– Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo không cấp văn bằng cho kiểu dáng công nghiệp mà doanh nghiệp đăng ký. Trong trường hợp này, chủ đơn có thể xem xét và gửi công văn trả lời, khiếu nại quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời đưa ra các căn cứ để cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp.
Bước 5: Cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
– Tên văn bằng: Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp
– Thời hạn cấp văn bằng: 02-03 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng.
– Sau khi có quyết định cấp văn bằng, chủ đơn hoặc đại diện của chủ đơn nộp lệ phí cấp văn bằng và nhận giấy chứng nhận đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
4.4. Lệ phí nộp đơn kiểu dáng công nghiệp
– Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ;
– Phí phân loại kiểu dáng công nghiệp: 100.000/01 phân loại;
– Phí thẩm định đơn: 700.000VNĐ/01 đối tượng;
– Phí công bố đơn: 120.000VNĐ;
– Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000VNĐ/01 hình;
– Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định: 480.000VNĐ/01 đối tượng;
– Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000VNĐ/01 đơn ưu tiên.
– Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ: 660.000 VNĐ/01 đối tượng với 06 ảnh.
Lưu ý: Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần được phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp, trường hợp Người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại và người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định (100.000VNĐ/01 phân loại)
5. Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp: 05 năm kể từ ngày nộp đơn. Và được gia hạn tối đa 02 lần, mỗi lần 05 năm.
Theo đó tối đa một kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ sẽ được độc quyền trong vòng 15 năm (nếu gia hạn liên tiếp khi hết hạn).
Sau đó kiểu dáng công nghiệp sẽ hết độc quyền và người khác có quyền sử dụng không cần sự đồng ý của chủ sở hữu.
6. Dịch vụ đăng ký kiểu dáng công nghiệp của Timelaw
Dịch vụ đăng ký kiểu dáng công nghiệp của Timelaw bao gồm các công việc sau:
– Tra cứu thông tin và tư vấn, đánh giá khả năng sử dụng và đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài;
– Hoàn thiện hồ sơ xin cấp văn bằng bảo hộ cho khách hàng ;
– Nghiên cứu và đánh giá khả năng vi phạm các quyền kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ;
– Áp dụng các quyền kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ: điều tra, giám sát, thương lượng / hòa giải, khởi kiện ra tòa hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác xử lý xâm phạm ở Việt Nam và nước ngoài;
– Đàm phán, soạn thảo, thẩm định, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu các kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài.
Trên đây là nội dung tư vấn của TimeLaw. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 0948.615.666 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.
Xin chân thành cảm ơn!