Việc đăng ký ngành nghề kinh doanh là một trong những nội dung bắt buộc khi thành lập doanh nghiệp. Việc đăng ký ngành nghề kinh doanh góp phần giúp mọi người hiểu hơn về lĩnh vực mà doanh nghiệp kinh doanh, từ đó tạo thuận lợi cho việc hợp tác kinh doanh cũng như việc quản lý doanh nghiệp của cơ quan thuế được dễ dàng hơn,…
1. Ngành nghề kinh doanh là gì?
Tại Luật Doanh nghiệp 2020 và cả những văn bản luật trước đây đều chưa có định nghĩa chính xác ngành nghề kinh doanh là gì, tuy nhiên qua các quy định liên quan trong luật và các văn bản hướng dẫn có thể hiểu: ngành kinh doanh là ngành có hoạt động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc tạo ra các giá trị và tiến hành trao đổi vì lợi ích của các bên liên quan. Hiện nay, tên gọi và nội dung chi tiết ngành nghề kinh doanh của nước ta được quy định cụ thể tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg
2. Tại sao phải đăng ký ngành nghề kinh doanh?
Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp nước ta thì tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khi đăng ký thành lập đều phải đăng ký ngành nghề kinh doanh vì một số lý do dưới đây:
- Ngành nghề kinh doanh trên thực tế có rất nhiều mà luật không thể bao quát hết được, do vậy việc đăng ký ngành nghề kinh doanh sẽ giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết và quản lý doanh nghiệp dễ dàng hơn, tránh trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề gây tác động xấu tới môi trường, xã hội.
- Nếu không đăng ký ngành nghề kinh doanh thì doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn cho bất kỳ mặt hàng nào, việc này gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế, cơ quan thuế khó kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp gây thất thoát thuế của nhà nước.
- Việc đăng kí ngành nghề kinh doanh góp phần thể hiện lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, thuận lợi cho việc các nhà đầu tư tìm hiểu về doanh nghiệp để cân nhắc, lựa chọn việc đầu tư kinh doanh cũng như tạo thuận lợi trong việc hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau.
- Ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đăng ký được lưu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, sau khi đăng ký hoặc thay đổi ngành nghề, Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở sẽ cấp giấy xác nhận ngành nghề kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp không đăng ký ngành nghề hoặc kinh doanh không đúng ngành nghề đã đăng ký sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
3. Nguyên tắc đăng ký ngành nghề kinh doanh
Mặc dù doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm (theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020), nhưng việc kinh doanh của doanh nghiệp vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư, bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
- Chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
- Không kinh doanh các ngành nghề cấm kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động.
Việc đăng ký ngành nghề kinh doanh không những tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và cơ quan nhà nước quản lý. Vậy nên doanh nghiệp cần đăng ký ngành nghề kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên doanh nghiệp cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ trước khi đăng ký các ngành nghề sao cho phù hợp với quy mô, định hướng phát triển, mục đích kinh doanh,… của công ty.
——————————————————————————————————————————————-
Hãy gọi ngay tới Hotline: 0948.615.666 Để được giải đáp thắc mắc hay sử dụng dịch vụ của Timelaw!
#timelaw
#thaydoi
#nganhnghe
#kinhdoanh
#congty
#doanhnghiep