Điều kiện xin giấy phép biển quảng cáo ngoài trời

Hiện nay, để khách hàng biết đến sản phẩm của mình nhiều hơn, các doanh nghiệp đã lựa chọn việc đặt biển quảng cáo ngoài trời. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải xin giấy phép trước khi đặt biển quảng cáo đó. Vậy điều kiện để xin giấy phép quảng như thế nào? Cùng theo bài viết dưới đây của TimeLaw để hiểu hơn về nội dung này:

1. Quảng cáo ngoài trời là gì?

Theo Điều 17 Luật Quảng cáo 16/2012/QH13 của Quốc hội ban hành về Phương tiện quảng cáo, Quảng cáo ngoài trời sẽ thể hiện thông qua các dạng sau:

– Bảng biển quảng cáo ngoài trời: Pano, Billboard, băng rôn, banner, biển hiệu, biển hộp đèn,

– Dán thiết kế quảng cáo đặt trên phương tiện giao thông như taxi, ô tô, xe buýt, xe máy, xe đạp…

– Các biển quảng cáo bằng màn hình điện tử, màn hình LED, LCD chuyên quảng cáo…

2. Kích thước của Biển hiệu quảng cáo

a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;

b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

3. Cách đặt biển quảng cáo

Cách đặt biển quảng cáo được quy định chi tiết tại Thông tư 04/2018/TT-BXD ngày 20/05/2018 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời, cụ thể đối với biển hiệu như sau:

  • Vị trí: biển hiệu được treo/gắn/ốp vào sát cổng, mặt trước của trụ sở hoặc nơi sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
  • Trường hợp biển hiệu treo ngang cổng hoặc lối vào phải đảm bảo khoảng cách thông thủy từ mép dưới biển xuống điểm cao nhất của mặt lối đi không nhỏ hơn 4,25 mét.
  • Đảm bảo biển hiệu không được lấn ra hoặc chiếm vỉa hè, lòng đường; không gây ảnh hưởng đến giao thông công cộng; không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả.
  • Việc đặt biển hiệu phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo và các quy chuẩn kỹ thuật.

4. Thủ tục xin cấp phép quảng cáo ngoài trời

* Hồ sơ xin giấy phép:

– Văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo ghi rõ nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn.

– Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo.

– Bản sao giấy tờ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để quảng cáo theo quy định tại Điều 20 của Luật này.

– Bản sao văn bản về việc tổ chức sự kiện của đơn vị tổ chức trong trường hợp quảng cáo cho sự kiện, chính sách xã hội.

– Ma-két sản phẩm quảng cáo in mầu có chữ ký của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc chữ ký của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo. Trong trường hợp người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người quảng cáo là tổ chức thì phải có dấu của tổ chức.

– Văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo; quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo đối với băng-rôn.

– Bản phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo.

* Lưu ý: Đối với quảng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thì hồ sơ yêu cầu theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo như sau:

“Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

a) Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;

b) Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;

c) Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp;

d) Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật này phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành;

đ) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;

e) Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật;

g) Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu;

h) Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật. Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;

i) Quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y phải có giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm;

k) Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.”

* Thủ tục:

– Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày. Cụ thể là Sở Văn hoá – Thể thao nơi đặt biển quảng cáo.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương xác nhận về việc nhận hồ sơ, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã thông báo.

Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Chi phí đăng ký xin giấy phép quảng cáo ngoài trời

Theo Thông tư 64/2008/TT-BTC để bạn tham khảo, lệ phí này có thể thay đổi tùy thuộc vào thời gian.

– Quảng cáo trên bảng, biển, panô và các hình thức tương tự có diện tích từ 40 mét vuông trở lên có lệ phí là: 600.000đ/1 giấy phép/1 bảng, biển, panô

– Với dó diện tích từ 30 mét vuông đến dưới 40 mét vuông: 500.000đ/1 giấy phép/1 bảng, biển, panô

– Diện tích từ 20 mét vuông đến dưới 30 mét vuông: 400.000đ/1 giấy phép/1 bảng, biển, panô

– Có diện tích từ 10 mét vuông đến dưới 20 mét vuông: 200.000đ/1 giấy phép/1 bảng, biển, panô

– Có diện tích từ dưới 10 mét vuông : 100.000đ/1 giấy phép/1 bảng, biển, panô

————————————————————————————————

Trên đây là nội dung tư vấn của TimeLaw. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 0948.615.666 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.

Xin chân thành cảm ơn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *