Một số lưu ý về vốn điều lệ khi thành lập mới doanh nghiệp

      Vốn điều lệ là một phần rất quan trọng không thể thiếu khi thành lập công ty, tuy nhiên rất ít cá nhân hiểu biết rõ về vốn điều lệ cũng như tầm ảnh hưởng của vốn điều lệ đối với doanh nghiệp khi đi vào hoạt động. Vì vậy, trong bài viết này, Timelaw sẽ cùng các bạn tìm hiểu khái quát về vốn điều lệ.

1. Vốn điều lệ là gì?

Theo khoản 34 điều 4 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định về vốn điều lệ: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.”

Như vậy, có thể hiểu vốn điều lệ là phần góp vốn hoặc cam kết góp vốn của các cá nhân hoặc tổ chức vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc sở hữu chung khi thành lập công ty. Đối với cá nhân hoặc tổ chức góp vốn hoặc cam kết góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sẽ trở thành chủ sở hữu của công ty. Còn đối với các loại hình công ty còn lại (Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần), nhiều cá nhân, tổ chức cùng góp vốn hoặc cam kết góp vốn thì sẽ trở thành chủ sở hữu chung của công ty.

2. Một số lưu ý về vốn điều lệ khi thành lập công ty:

*Về thời hạn góp vốn: Theo quy định của pháp luật, các thành viên được góp và cam kết góp đủ số vốn đã đăng ký trong 90 ngày kể từ ngày có Giấy chứng nhân đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, các thành viên có quyền thỏa thuận thời gian góp vốn ngắn hơn thời hạn 90 ngày. Việc quy định thời gian góp vốn phải được ghi nhận trong điều lệ của công ty. Trong thời hạn trên, nếu không góp đủ thì doanh nghiệp phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ hoặc các thành viên thỏa thuận góp lại đủ số vốn đó.

* Về loại tài sản góp vốn: Góp vốn vào công ty không nhất thiết phải bằng tiền mặt. Mà các thành viên có thể thỏa thuận với nhau tài sản góp vốn. Ví dụ như: Vàng, giấy tờ có giá, quyền sử dụng đất,…. Việc thỏa thuận này phải được lập thành văn bản, và phải thực hiện chuyển đổi sang tài sản của công ty theo quy định.

* Về quy mô vốn điều lệ: Quy mô vốn điều lệ thể hiện sự bền vững và phát triển của doanh nghiệp, bởi vậy không nên đăng ký vốn điều lệ quá thấp, điều này có khả năng sẽ làm hạn chế cơ hội hợp tác hoặc vay vốn kinh doanh của doanh nghiệp sau này. Cũng không nên đăng ký số vốn quá cao, mặc dù có thể tạo niềm tin cho đối tác, nhưng như thế trách nhiệm, tính rủi ro của các thành viên cũng rất lớn.

* Mức vốn tối thiểu: Pháp luật doanh nghiệp không quy định bắt buộc mức vốn tối thiểu. Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện yêu cầu vốn pháp định, đây là số vốn tối thiểu để thành lập công ty trong lĩnh vực này. Khi đăng ký kinh doanh trong các ngành nghề có điều kiện, thì mức vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định. 

* Về căn cứ tính thuế: Vốn điều lệ là căn cứ để tính thuế môn bài cho doanh nghiệp. Vốn điều lệ càng cao thì mức thuế môn bài càng lớn. Doanh nghiệp có vốn từ 10 tỷ trở lên mức thuế môn bài là 3.000.000 đồng/năm, doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ có mức thuế môn bài là 2.000.000 đồng/năm.

—————————————————————————————————————————————————————————————————————

Để biết thêm chi tiết, giải đáp thắc mắc hay sử dụng dịch vụ của Timelaw, vui lòng liên hệ qua Hotline: 0948.615.666

#timelaw

#von

#doanhnghiep

#congty

#thanhlap

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *